Phân biệt Hợp chuẩn và Hợp quy sản phẩm như thế nào?
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân được lưu thông trên thị trường đã được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân chưa phân biệt được sản phẩm, hàng hóa của mình sản xuất thuộc nhóm nào để đánh giá và công bố hợp chuẩn hay hợp quy. Thậm chí, nhiều đơn vị còn chưa hiểu rõ về cả 2 chứng nhận này có thể mang lại lợi ích gì đối với hoạt động kinh doanh - sản xuất của mình.
Vậy làm thế nào để phân biệt được khi nào thì làm chứng nhận hợp chuẩn, khi nào thì làm chứng nhận hợp quy? Lợi ích khi chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy như thế nào? Bài viết hôm nay Anbaco sẽ giải đáp mọi thắc mắc của các bạn.
1. Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ?
a) Tiêu chuẩn và chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn
Là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.
Chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn: là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp theo yêu cầu của khách hàng thì nó trở thành bắt buộc.
b) Quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật
Là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật: là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện một cách bắt buộc. Phương thức đánh giá quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng đối tượng cụ thể được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Chứng nhận hợp chuẩn là gì ? Chứng nhận hợp quy là gì ?
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 và Thông tư 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong đó, về nguyên tắc, công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy đều là hoạt động của tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với các quy định tương ứng. Tuy nhiên cần nhận biết được sự khác nhau giữa công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy.
☑️ Chứng nhận hợp chuẩn (Certificate standards) là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
Như vậy, việc công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
☑️ Chứng nhận hợp quy (Certificate regulation) là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Như vậy, việc công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động bắt buộc và đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
3. Mục đích và lợi ích của 2 loại chứng nhận đối với khách hàng và chủ doanh nghiệp
Mục đích của Giấy chứng nhận hợp quy: Đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Mục đích của Giấy chứng nhận hợp chuẩn: Giúp Khách hàng yên tâm về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Ngoài ra, giấy chứng nhận hợp chuẩn còn đem lại cho Doanh nghiệp nhiều lợi ích khác như sau:
- Giảm thiểu chi phí khi xử lý sản phẩm bị lỗi, hỏng
- Chất lượng sản phẩm luôn được duy trì, đáp ứng nhu cầu của khách hàng
- Xây dựng sự uy tín, nâng cao thương hiệu với đối tác và khách hàng
- Tăng doanh thu => Tăng lượng tiêu dùng của khách hàng
- Có lợi thế khi tham gia đấu thầu và các dự án lớn
- Tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường chung
- Tăng cơ hội mở rộng tiềm năng ra thị trường quốc tế
4. Điểm giống và khác nhau giữa Chứng nhận Hợp chuẩn và Chứng nhận Hợp quy
☑️ Giống: Cả 2 đều là phương thức để đánh giá về chất lượng của sản phẩm hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường hoặc sản phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất. Đảm bảo được chất lượng và nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường.
☑️ Khác nhau:
a) Hợp chuẩn
Hợp chuẩn đánh giá sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn nào đó, dành cho nhóm sản phẩm không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng và không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
Việc công bố hợp chuẩn là hình thức tự nguyện cho sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp.
b) Hợp quy
Hợp quy là đánh giá các sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, dành cho sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng và có khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
Việc công bố hợp quy là hình thức bắt buộc và đây cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm và hàng hóa ra lưu thông trên thị trường. Nếu lưu thông sản phẩm chưa được Chứng nhận hợp quy, Doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính và buộc không được tiếp tục kinh doanh sản phẩm đó.
5. Các phương thức đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ nước Việt Nam đã ra quy định và công nhận 8 phương thức để áp dụng cho từng loại sản phẩm hàng hóa (tham khảo thông tư 28/2012/TT-BKHCN được ban hành ngày 12/12/20212):
- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.
- Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.
- Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý.
- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
- Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Hiện nay ở Việt Nam sử dụng rộng rãi 3 phương pháp: 1,5,7 áp dụng với cả sản phẩm trong nước và các sản phẩm nhập khẩu.
6. Kết luận
Tóm lại, qua các thông tin từ bài viết trên, chúng ta có thể nhận thấy có những hàng hóa, sản phẩm để được nhập khẩu hay sản xuất tiêu thụ trong nước thì bắt buộc phải làm Công bố Hợp Quy, nhưng cũng có những hàng hóa khác lại chỉ cần làm Công Bố Hợp Chuẩn một cách tự nguyện. Khi các sản phẩm được chứng nhận có nghĩa là sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn, chỉ điều này thôi đã tạo được lòng tin của khách hàng đối với nhà sản xuất, góp phần nâng cao uy tín của nhà sản xuất, chính vì thế giúp cho nhà sản xuất dễ dàng trong việc mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm hơn.
Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện công bố chứng nhận sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn đối với những sản phẩm cùng loại khi chưa được chứng nhận. Chính vì vậy mà hoạt động chứng nhận sản phẩm đã trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho nhiều nhà sản xuất. Đây cũng là bằng chứng chứng minh việc tuân thủ các quy định, luật hiện hành, tôn trọng sự an toàn và chất lượng, tôn trọng người tiêu dùng, khẳng định uy tín của Doanh nghiệp trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng và đối tác từ đó nâng cao vị thế của mình trên thị trường.
Cuộc sống sẽ càng ngày càng phát triển nên những đánh giá, yêu cầu về chất lượng cũng có thể sẽ càng ngày càng cao hơn nhưng chính chúng mang lại giá trị về sức khỏe về lòng tin của con người...
Tham khảo các sản phẩm đã Chứng nhận Hợp Quy tại An Bắc
- Nón bảo hộ lao động cách điện Bullard - USA
- Nón bảo hộ lao động
COV – Hàn Quốc
- Bộ dây an toàn chống ngã cao COV - Hàn Quốc
- Bộ dây đai an toàn chống ngã cao ADELA – Đài Loan
- Giày bảo hộ lao động Hans - Hàn Quốc
- Giày bảo hộ lao động Jogger - Bỉ